Thiện nguyện hay Nghiệt duyên.


 

1.

Tôi giữ thói quen, ngày mười lăm hoặc mười sáu hằng tháng, đến chùa thắp nhang.

Một phần vì đã là thói quen khó bỏ được. Thói quen bắt đầu từ một vài năm trước, sau khi trải qua một vài sự chuyển biến về tâm sinh lý, gặp một vài biến cố lớn trong đời, yêu một người và quên một người. Giữa lúc lòng như chiếc thuyền chơi vơi giữa sóng dồn, chênh chao trên dòng phiền trượt đầy lốc xoáy. Sát na chỉ còn một bước chân nữa, cú gieo mình hết sức ngoạn mục với tạp niệm trong đầu, thân xuống trước hay đầu xuống trước? Tôi tìm đến khói nhang của đền tự.

Mãi về sau, khi mỗi tháng đều đặn, việc đến nơi thiêng liêng trong tâm cảnh này lặp đi lặp lại hàng nhiều lần, tôi mới nhận thấy một điều, thật ra, đến nơi cổ kính rêu phong này chỉ vì muốn cảm thấy được “an”. Phải, đó là sự tĩnh tại huyễn hoặc nào đó do khói nhang nghi ngút, do sắc đèn cầy đỏ rực không ngừng ứa chảy sáp, do tiếng gióng chuông gõ mõ thi thoảng vang vọng… mang lại. Giống như bản ngã tận sâu trong lòng được phơi bày, cởi chiếc vỏ bọc của lòng mình, rũ sạch bụi phong trần, an nhiên bước vào cổng chùa. Tôi thấy được, trong lòng hệt như có chiếc gương đồng sáng rọi, những cảnh trí những nhân những quả, những duyên những nghiệp nào đang đan kết trong cõi đời này, cõi đời mình.

Chắp tay khấn lạy một điều thiện nguyện. Ngẩng mặt nhìn thấy dáng vẻ từ bi hiền hòa của đấng bề trên. Chẳng mảy may ngờ vực sự tồn tại hiện hữu, sự nhiệm mầu pháp thuyền nào đó của họ. Không phải một kiểu tín ngưỡng đồng hóa, mà do tự tâm mà thành. Trăm năm qua, họ vẫn ngồi đó, kiên trì lặng lẽ lắng nghe tiếng lòng của chúng sanh vãng lai cúng bái, nguyện cầu. Lẳng lặng chìa cánh tay vô hình ra, chạm vào trái tim đó, xoa sạch những mối âu lo. Khấn nguyện những đấng bề trên, thắp nén nhang, nến đèn cầy, sẽ đạt được điều mình hằng mong muốn. Đó là cảm giác “an” ở trong lòng. Tiếng lòng âm vọng đến tai họ, qua làn khói lãng đãng, qua ngọn lửa cháy rực, hay phải chăng vốn chỉ là sự hòa mình vào hư không, âm ba vang dội?

Tôi không biết rõ, nhưng tôi cảm thấy được “an”.

2.

Bài học lớn nhất của đời người, chính là học cách từ bỏ. Vì giữ mãi trong lòng là còn tham, vì chiếm giữ cho riêng mình là còn sân, vì không nỡ buông tay ra là còn si. Con người hễ còn tham, còn sân, còn si thì hãy còn phiền muộn, vướng đầy tục lụy.

Yêu một người vốn đã là chuyện khó như việc nhìn lên mặt trời lúc ban trưa, tìm được người mình yêu khó như xoi dằm găm trong thịt da, nhưng buông được một người ra khỏi lòng mình, vĩnh viễn như chịu nỗi đau xé da xé thịt.

Mối tình cuối cùng, khi tôi đã đốn ngã cái cây đó ra khỏi lòng mình, thứ dùng để đánh đổi mãi là cái giá quá đắt. Đến độ, sự chai sạn đã trở thành thói quen, mãi không thể mở lòng ra được nữa. Cửa đã đóng kín từ lâu, chìa khóa lại để quên đâu đó mất rồi. Cho dù là nhẫn tâm với những người khác, khi phải chối từ họ, không muốn họ lại trở thành con ngựa chạy vào vết xe đổ của mình, không muốn dành cho họ quá nhiều thương cảm hay hy vọng.

Mặc dù chẳng mang lỗi lầm gì, nhưng buông tay và bước tiếp thực sự rất khó. Vì bản thân hiểu rõ cảm giác này, nên nhiều lúc cảm thấy phiền lụy vì họ, vì những người đến sau, đứng sau.

 

3. 

“Vì một người 
mà cửa lòng đóng suốt trăm năm
sao không như tơ trời
gội cho sạch thinh không
cho lòng nhẹ tênh
sao không như chén rượu
rót cho đầy nỗi nhớ
uống cho cạn mong chờ
làm sao để mở cửa
cánh cổng đã đánh mất chìa từ vài trăm ngày trước
làm sao để dỗ lòng
đừng vì một người mà đóng cửa suốt trăm năm…”

4.

Ai đó thân thuộc đã viết như vậy trên blog riêng của mình,

“Bởi vì anh đã giang tay thì tôi không thể nào không chạy tới…”

Vì chỉ cần một bàn tay còn chìa ra, thì một bàn tay khác sẽ nắm chặt lấy. Vốn dĩ cơ bản trong lòng, thật chẳng muốn chìa bất cứ bàn tay nào ra. Nó khó khăn cằn cỗi quá đỗi đến độ tiêu cực. Tôi chỉ ôm bạn lúc nhàu nát, đỡ bạn dậy lúc bạn trượt té đâu đó bên đời, nhưng tôi không thể nào, mãi mãi, thuộc về bạn.

Không phải vì tôi không đủ sức, chỉ bởi nó không dành cho tôi. Không phải lúc. Không phải chốn này. Việc đến và gặp gỡ nhau trong đời, rốt cùng cũng chỉ là duyên. Nhưng duyên chưa đủ để kết thành phận. Nếu duyên không đủ sinh, đành để tán như diệp. Kiếp lai sinh mai sau nếu còn duyên chưa trả, nhất định sẽ tương phùng.

Tôi không phải là kẻ phụ ác tác nghiệp, nhưng là căn duyên của mối nghiệt duyên. Chỉ nguyện chén canh Mạnh bà đừng quá đầy, để đền trả cho lỡ lầm tiền kiếp.

Biết làm sao, khi tay buông thõng thượt, chẳng níu nổi vai người tay người?

Biết làm sao, khi đã sạn lòng, chẳng giữ tình ai bóng hình ai…

 

 

One thought on “Thiện nguyện hay Nghiệt duyên.

Leave a comment