Những lời thừa

Đọc sách là sở thích của bản thân, viết lách là nghiệp mà bản thân chọn.

Thật ra đi làm rồi mới nhận ra một điều là bản thân mình chưa bao giờ đủ. Kiến thức bản thân quá hạn hẹp nên những thứ viết ra đều là những nỗi buồn những nỗi trăn trở na ná nhau, mang màu sắc từa tựa nhau. Giống những sản phẩm cùng ra trong một khuôn đúc, một mẫu hình. Việc nâng cao tri thức và phải thay đổi từng ngày là điều mà một người viết lách (dù là viết văn hay viết quảng cáo) đòi hỏi phải có được. Cùng một nội dung, một góc nhìn, một câu chuyện nhưng từ ngữ, văn phong, và cảm xúc phải được thiên biến. Viết về những thứ chưa từng viết trước đây, chạm đến những đề tài mới mẻ.

Trong quá trình lột xác đó, phải chấp nhận tìm tòi, tra cứu, học hỏi, phải được những lớp đi trước chỉnh sửa, phải thay đổi tư duy và nhận thức. Đặt mình trong suy nghĩ của một người khác, một giới tính khác, một tư thế khác. Những chủ đề bản thân đã từng chạm qua là làm đẹp của phái nữ, hiếm muộn – vô sinh của các cặp vợ chồng, căn bệnh ung thư của phụ nữ, phẫu thuật thẩm mỹ, kỳ tích của thủ khoa, điện thoại, khoai tây, sữa đậu nành, nước giải khát, thuốc men, vi-rút… Để viết tốt ở mỗi đề tài, bản thân cần phải hiểu rõ sản phẩm đó, đối tượng đó là gì, cần gì và như thế nào. Ở mỗi đầu báo, văn phong cần được chuyển điệu để phù hợp, sự khác nhau về hình ảnh, mo-rát, giữa báo in và báo mạng, báo doanh nhân và báo phụ nữ, báo phổ thông và báo sinh viên…

Hoàn toàn giống như việc khoác lên bản thân những chiếc áo khác nhau trong những sự kiện khác nhau. Tôi thích công việc này, thích những thử thách của câu chữ khi thì mạnh mẽ, khi thì mềm yếu, khi thì gói gọn trong vòng 500 chữ, khi thì tùy bút phóng. Trau dồi bút lực không còn là chuyện tự nhiên, mà phải xem như là điều tất yếu. Ngoài bút lực, cả cảm xúc khi đặt mình vào trong từng câu chữ mình viết ra.

Công ty nằm ở tầng bốn tòa nhà công sở. Về hướng đông thành phố. Mỗi sáng ngồi sát cửa sổ, nhìn thấy hàng cây xanh ngắt. Hiểu rõ cảm giác ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là như thế nào. Mỗi khoảnh khắc màu trời thay đổi, chợt nắng, rồi mưa. Giọt mưa bám dính trên cửa sổ văn phòng là như thế nào. Buổi chiều, thấy “lũ người ngợm” và hàng xe đông đúc, đua chen lúc xúc. Khi buồn nao lòng, hay đau đầu với con chữ, sẽ chợt thấy một con sóc chuyền cành. Sóc chuyền từ cành này sang cành khác. Thoăn thoắt. Vừa thấy đó, lại biến mất ngay đó. Nhưng bất cứ thời không nào, cũng đều sẽ bất chợt nhìn thấy con sóc nhỏ thó đó.

Thứ bản thân yêu thích sau khi đi làm, chính là tiền và sách. Tiền là sở thích tất yếu trong cuộc sống này. Sách là cứu cánh để cân bằng trạng thái sau khi tan ca. Tìm thấy những đầu sách của những tác giả yêu thích chính là hạnh phúc. Thời gian gần đây đã tìm được thêm vài quyển sách của Lý Lan, Trần Thùy Mai, Bình Nguyên Lộc… Trong số đó, có một tác giả duy nhất mà bản thân chỉ từng đọc một quyển duy nhất của ông – Rừng Nauy, là Haruki Murakami. Nhưng trong lòng lúc nào cũng thôi thúc chọn mua những quyển tiểu thuyết tiếp theo của ông, như Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặndây cót, Nhảy nhảy nhảy, Người tình Sputnik, 1Q84… như một định mệnh, như một mong chờ. Đợi đến một thời điểm nào đó thích hợp sẽ bắt đầu đọc. Có thể sẽ yêu thích, có thể sẽ chán ghét. Bản thân cảm thấy mình khác biệt mọi người, xu thế đọc có thể đi chậm hơn những người khác cả thế kỷ, nhưng cũng có khi lại thích những thứ cũ kỹ khác đến nao lòng.

Trong những tháng cuối năm bao giờ cũng có những cuộc hội ngộ bất ngờ từ phương xa. Một người tri âm từ nửa vòng trái đất về đây, vượt qua tuổi tác, suy nghĩ, quan niệm, thân phận nhưng đều lại đồng điệu trong những âm thanh, bài hát không tuổi. Một ca sĩ ngoài thất thập nổi danh một thời của Sài Gòn thế kỷ trước. Gần đây là một tác giả của những quyển sách mình yêu thích. Cảm thấy trân quý những con người này, những khoảnh khắc này hơn cả thảy. Có cảm giác như thời gian đọng lại ở một khoảng nào đó, lắng trầm và thành ký ức vĩnh viễn.

Bố mẹ vừa có chuyến đi du lịch. Sau những thăng trầm trong cuộc đời, của tình cảm, của gia đình, của con cái, của tiền bạc, của đủ mọi sướng-vui-đau-buồn-bệnh và trước cả ngưỡng sinh-tử một thời… lại có thể nắm tay nhau đi dạo chơi nhân gian, chẳng phải là điều hạnh phúc lắm sao?

Phát hiện ra một điều, chủ nhật hạnh phúc của mình không phải là ra ngoài đường la cà cà phê sáng chụp ảnh trò chuyện thủ thỉ tâm tình với bạn bè, không phải là đi lòng vòng xem sách trong hiệu sách, không phải là ngồi viết lách suốt ngày… mà là ở nhà dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, tưới cây, lau chùi những quyển sách…

Một vài người lạ thường hỏi, con trai tại sao lại thích những thứ thường tình như vậy? Tôi không đặt mình ở vị thế con trai, mà luôn xem mình là con người. Muốn sống tốt thì phải làm đủ mọi việc. Việc thường tình không làm được, thì nói gì đến việc đào núi và lấp biển : ) có phải không?

 

 

 

Vọng

Một sáng rưng trời tự dưng muốn rơi nước mắt.

Ừ khóc thì khóc vậy thôi, chẳng có gì to tát. Góc khuất tòa nhà văn phòng là nơi lý tưởng để ngồi một mình khóc. Công trường đằng sau luôn sầm sập tiếng máy móc, người khác thì chọn đi thang máy hơn là thang bộ, nên chẳng ai biết một mình ngồi đây hút thuốc và khóc. Đăng trên status facebook một dòng, “Không phải vì em không vui nên em không cười không nói, không phải vì em ít nói ít cười là vì em không vui…” Chuyện buồn vui là lẽ thường, sướng rơn thì vui cười, đau đáu trong lòng thì đánh rơi nước mắt. Còn khóc còn cười là người còn đáng sống đáng thương, không khóc không cười trái tim vô cạn chẳng đường lui nữa rồi.

Nhớ đến tựa Độc huyền cầm – bài hát thứ tư của vở “Nhân mệnh”:

“Ai như là mẹ ta,

lo từng miếng ăn, giấc ngủ.

Ai như là chị ta

buốt tim khi ta xước trầy.

Ai như là em ta

sụt xùi khi ta lỡ tiếng.

Ai như là trò ta,

nuốt từng lời ta như thánh.

Ai như là bạn ta,

hoạn nạn, về sớm quanh ta.

Ai như người ta yêu,

sang sông cùng người xa lạ.

Ai như người yêu ta,

dã quỳ chỉ một hướng đông.

Nhưng giờ ai còn ai mất,

mà sao lạnh vắng quanh ta.

Đá, sương, đất hòa giun dế,

chỉ còn một độc huyền cầm.

Ai trôi như là bóng ta,

trên mây và trong lòng nước.

Độc huyền làm bạn tri âm,

giạt về khúc cuối vô thanh.”

(NTMN)

Ai là ai của ai rốt cùng là ai vì ai? Không hiểu rõ.

Đêm sương lại gặp người xưa, vẫn hát bản tình ca xưa cũ làm ta đắn đót lòng “Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi. Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi. Ôm cánh hoa đọng ngát hương nguôi. Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi”. Ánh đèn màu và sân khấu, nhạc trỗi rồi nhạc đánh rơi tiếng lòng, người nghệ sĩ gật đầu chào khán giả mà thở dài tủi hờn, mình còn bao nhiêu tháng năm nữa đây.

Facebook một diễn viên Hongkong đăng một dòng: “Mưa rơi là vì bầu trời không chứa nổi sức nặng của nó. Nước mắt trượt là vì trái tim không còn chứa nổi tổn thương như vậy”.

Trên mạng có đăng tải sách Xuân Yến sắp xuất bản, nên mình đành bỏ dở Xuân Yến 9 chương sau cùng. Những đoạn – chương – hồi đã dịch và đã đăng tải trên blog, đành set private cho riêng mình đọc. Có người hỏi có phải mình dịch Xuân Yến không? Ừ, mình dịch, nhưng chỉ đăng tải trên blog. Còn người dịch Xuân Yến để xuất bản, rất vui là không phải mình.

Dự định mỗi tháng mình sẽ post một câu chuyện ngắn lên blog. Hy vọng từ đây đến lúc đó, sẽ có kha khá vốn để làm-chuyện-mà-nói-trước-bước-không-qua-đó.

Một sáng lại thấy sóc chuyền cành trên chiếc cây mọc trước cửa sổ công ty. Tựa đề tiếp theo sẽ là “Sóc trong thành thị” cũng là một ý kiến không tồi, nhỉ?

 

 

 

Màu thời gian

Thời gian thì mang màu gì ?

Màu nắng úa bên song, màu gió bạt mưa xiêu, màu trời thanh thao, màu đất nâu sồng… Thời gian đi qua, để lại không gian muôn màu. Hình ảnh làm nhiệm vụ bất biến của mình là lưu trữ màu thời gian.

Tầng thứ 4 của văn phòng

Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông…

Giếng trời miếu tự

Nơi cửa lòng thanh thao

và cuốn tiểu thuyết rầu thúi ruột…

Trong quyển Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã phải dành một đoạn dài để bình về một bài thơ huyền thoại – Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ.

MÀU THỜI GIAN (1)

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương (2) ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (3)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (4)

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát (5)
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (6)

Tóc mây một món chiếc dao vàng (7)
Nghìn trùng e lệ phụng (8) quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (9)

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát (10)

Lời chú của Hoài Thanh và Hoài Chân (trích Thi Nhân Việt Nam):

(1) Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình.

(2) Hãy để ý đến cái âm điệu vấn vương của mấy chữ này.

(3) Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có ngưòi cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất, nhất định không cho vua Hán Võ Đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần phi, thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.

“Ngàn xưa không lạnh nữa” : Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng lại thấy nôn nao.

(4) Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế thì sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh “trời mây phảng phất nhuốm thời gian” để chỉ hồn mình. Chữ “nhuốm” có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ “nhuộm”. Chữ “dâng” hơi kiểu cách.

(5) Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẩn với người yêu.

(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.

(7) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá, sai Cao Lực Sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc thương quá, lại vời nàng vào cung.

Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương.

— đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy.

(8) Chữ “phụng” rất kín đáo, chữ “dâng” sẽ quá xa vời, chữ “tặng” quá suồng sã.

(9) ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng; còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.

(10) “Tím ngát” tả đúng mối tình dìu dịu. “Tím ngắt” sẽ đau đớn quá.

Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Phạm Duy, Nguyễn  Xuân  Khoát hay Phạm Mạnh Cương

Link download:
http://www.mediafire.com/?p25wsyih7ts39zy

trong đó, các bài Màu Thời Gian của 3 nhạc sĩ đã phổ nhạc từ thơ Đoán Phú Tứ.

– Version Phạm Mạnh Cương do Thái Thanh hát trong băng PMC 12 và Thanh Thúy hát trên điã Sóng Nhạc.
– Version Nguyễn Xuân Khoát do Bích Hồng hát trong CD Màu Thời Gian 2.
– Version Phạm Duy do Thái Hiền hát trong CD Màu Thời Gian.