một chuyến đi – quán bên đường

có những lần bước qua một góc phố, như những lần bước qua một mối quan hệ. mơ hồ và thoảng hoặc. những cảm xúc líu ríu lũ lượt kéo nhau về.

một góc phố mùa đông năm nào lang bạt giữa đêm, nghe chuông nhà thờ đổ lạnh, đôi bàn chân lạnh cứ bước đi bước đi, thở ra khói. chỉ có trái tim ấm sực nơi ngực trái, đủ quên đi tiết trời tái tê ngoài kia. “đi đi anh đưa em vào quán rượu”, nghe “môi em như mật đắng”. rõ ràng và hiển hiện. như cơn đau. một đêm mới thật là đêm. một mối quan hệ rõ rệt và đau lòng. quán bên đường, một bà già cũ kỹ, đôi chân mang tất thủng lỗ chìa ngón chân nứt nẻ. bước chân đi nặng nề, trong hình dáng xiêu vẹo. đôi cẳng chân gầy như que củi, chậm chạp đứng khuấy nồi cháo. bát cháo gà dai nhách, có thêm tía tô và ớt bột, cứu rỗi cho đêm say ngà ngật. gió thổi khôn nguôi, bà già xiêu vẹo khó chịu với tất thảy. bà đâu có tin vào sự tồn tại của con virus corona ngoài kia. bà còm cõi trong đức tin, của bát cháo phủ chút lá tía tô và chút ớt bột, xoa dịu cái bụng trống rỗng cồn cào trong đêm đông lạnh cắt. chuông nhà thờ đổ lạnh, tượng chúa gầy hơn xưa. lòng dạ cồn cào nỗi nhớ, một mối quan hệ xuyến xao hay mơ hồ. trong làn khói thở ra vì đêm lạnh, mọi thứ đều không rõ ràng. như bát cháo bốc khói nghi ngút mơ màng. có bà già xiêu vẹo cáu kỉnh thò những ngón nứt nẻ ra chiếc vớ ngõ lỗ thủng. có trái tim chừng đã nguội lạnh lần mòn trên con đừng mà quan hệ mờ mịt dẫn lối. có đêm đông năm nào, tay dìu tay bước trong tiếng chuông thờ đổ lạnh, nghiêm cẩn như hành lễ trong giáo đường.

có những lần bước qua một góc phố, mùa đông năm nào đã chân dìu chân bước qua. lần cuối bước qua một mối quan hệ. mơ hồ và thoảng hoặc. quán bên đường năm xưa thay bằng tiệm chăn con công. hoành tráng và rỡ ràng. khuất lấp bà già cáu kỉnh xiêu vẹo. khuất lấp đức tin của bát cháo tía tô và ớt bột. không còn em, không còn ta, không còn cả hai chúng mình. khuất lấp mù mịt đêm đông. đèn led trên chữ vintage, không cũ bằng sương khói ký ức bảng lảng năm nào. bà già đi đâu mất. ký ức đi đâu mất. mối quan hệ mơ hồ và thoảng hoặc đi đâu mất. cơn say vẫn đôi khi trở về. cồn cào nỗi nhớ vẫn đôi khi trở về. cơn đau vẫn trở dậy đôi khi tìm về. có con phố đã vãn dấu chân người qua…

28.07.23

Bên trong vỏ kén vàng

Bên trong vỏ kén vàng

Thiện & Thảo – một cảnh trong phim

Đó là một chuyến hành trình, đi mãi đi mãi, không đầu không cuối, của một-con-người-đang-đi. Bộ phim dài ba tiếng, mỗi cảnh phim nhàn tản, chậm chạp đến độ thử thách kiên nhẫn của người xem khi ở mỗi một chi tiết vụn vặt kéo dài hàng phút đến hàng chục phút đồng hồ. Một chiếc xe gắn máy rề rà chạy trên con đường đất đỏ lởm chởm sỏi đá, một ô cửa váng đầy mạng nhện có gì mà thu hút ánh nhìn của gã nhân vật chính thật lâu thật lâu, một ô cửa sổ gỗ bạc màu thời gian vẳng đi vẳng lại giọng nói của hai gã đàn ông rựa ràng buồn chán kéo thành trường đoạn gần ba mươi phút… Một phần ba khoảng thời gian trôi qua, một phần ba người trong rạp rời đi, chắc họ không chịu nổi những thước phim chậm chạp (tưởng như) lê thê, rề rà.

Mất cũng bằng ngần ấy thời gian để dẹp cơn buồn ngủ lúc tối trời, để bước vào không gian mù sương bên trong vỏ kén vàng. Để dệt nên một vỏ kén vàng, đạo diễn phim đã dựng nên muôn trùng những ẩn ức cài cắm, những mơ hồ bảng lảng, những ẩn dụ hàng hàng lớp lớp, mà chỉ một sát na sơ sểnh, chính người xem sẽ lạc lối giữa muôn trùng mù sương đó. Chiếc kén vàng rủ những sợi óng ánh như tơ quện chặt thân thể chúng ta, như tơ nhện mù giăng khiến chúng ta chìm đắm và lạc lối. Không gian bên trong vỏ kén vàng đẹp nhưng nhừa nhựa, bện chặt người xem bằng mơ hồ ảo ảnh, bằng âm thanh chân thật mà ám ảnh. Như đi vào trong giữa vũng lầy, hoặc là càng chìm đắm khi càng vùng vẫy, hoặc là tận hưởng cảm giác lún đáy trong yên phận.

Bên trong vỏ kén vàng kể câu chuyện, không có cốt truyện. Nhàn tản dẫn dụ người xem trở thành một phần của nhân vật. Khởi từ một vụ đụng xe, nhân vật nữ Hạnh (chị dâu nhân vật chính Thiện) mất, để lại đứa con. Và ba tiếng đồng hồ bộ phim sau đó, Thiện rong ruổi đi tìm Tâm – anh trai mình, cha đứa trẻ nít còn sống đã bỏ đi đâu mất kia – trở về. Vẻn vẹn chỉ bấy nhiêu đó, Thiện đi tìm Tâm trở về. Không hơn.

Trên hành trình đó, một phận người đã sầm sập trải qua.

Giữa vụ tai nạn, hai chiếc xe gắn máy đâm sầm vào nhau, một người đàn ông và một người đàn bà đã chết. Vậy mà, đứa trẻ nít ngồi sau yên mẹ, lại sống sót mà không một vết thương trong kỳ tích. Thiện nâng niu, bảo bọc, chăm bẫm đứa trẻ nít còn sống trong diệu kỳ một cách bản năng.

Thiện làm đám tang chị Hạnh, cảnh đưa tang diễu hành đi qua cánh đồng ở Di Linh. Rồi gặp ông già Lưu – người khâm liệm cho đám tang – hiện lên với hình ảnh một ông già cô đơn, hay giúp người không công. Ô cửa gỗ dài ba mươi phút đó, đong đưa qua lại, vẳng đi vẳng lại câu chuyện của hai gã đàn ông. Câu chuyện một gã quân nhân kể về bên-thắng-cuộc, hồi ức của một ông già đã rời biên khu để về đây sinh sống (hay chính ông đang sinh sống trong chính hồi ức của mình). Ông già chìa cho Thiện những kỷ vật còn sót lại của nửa phần đời kia của mình, mấy bức ảnh về người mà ông yêu nhất trần đời, một mảnh đạn chì năm xưa đã cắm ngập vào xương sườn ông, và một vết thẹo thời gian trên thịt da.

Thiện tình cờ gặp lại Thảo – người bạn gái khiến tim anh rung động đầu đời – nay trong hình dung một ma-sơ. Đối thoại của hai người là bóng lưng vọng ra từ giữa thánh đường. Về tình yêu, về cuộc sống, về quá khứ, về tương lai, về những hão vọng không thành. “Em, tại sao em lại đi tu?”. Rồi một hôm nào đó, không rõ hôm nào, khi đứng ngóng thật lâu trong một căn nhà cũ, Thiện leo lên những bậc thang phủ đầy bụi mờ, hình bóng Thảo trong chiếc váy ngắn thoắt ẩn, thoắt hiện đằng sau lưng. Một Thảo hồn nhiên, đầy nét tinh nghịch đối lập muôn phần với ma-sơ Thảo hiện tại. Có cảnh Thiện và Thảo hôn nhau ngấu nghiến, đôi bàn tay ghì níu chặt không rời. Nhưng Thảo đẩy Thiện ở lúc cao trào đó. Thảo nói, cô đang bước vào vùng ảo giác mê muội, lớp sương dày ken đặc đó phủ ập lấy con người cô, khiến cô không thể thở được. Cô không thoát ra được tình yêu này. Vừa cám dỗ nhưng vừa đau đớn.

Rồi Thiện rời Thảo, để lại đứa con nít học ở trường dòng mà Thảo dạy, lên đường đi tìm Tâm cầm trên tay tấm ảnh cưới – di vật còn sót lại của Tâm và Hạnh. Thiện biết Tâm – anh trai mình – đang ở đâu giữa thành phố bên kia. Giữa con dốc ngoằn ngoèo của hành trình, xe Thiện chết máy, Thiện tấp vào một quán bên đường. Thiện gặp ai cũng hỏi có biết một người đàn ông Tâm không, cũng chìa tấm hình ra hỏi có biết anh Tâm không? Những người trên đường đều thấy quen lắm, chừng đã gặp rồi, nhưng cũng rất xa lạ, không rõ đâu.

Rồi Thiện gặp bà già, bà già nhìn Thiện thật lâu. Rồi nói, tại sao đến tận bây giờ cậu mới đi tìm? Không, là tôi đang nói về cậu, tại sao bây giờ cậu mới đi tìm chính mình. Bà già nói đủ thứ chuyện trên đời, linh hồn và đau khổ. Mỗi một cá thể đều sống trong sự lựa chọn của chính mình, vui sướng hay đau khổ đều là sự lựa chọn của mỗi linh hồn. Bà già nói nhiều lắm, Thiện nghe cũng nhiều lắm. Đến lúc tỉnh dậy, Thiện nằm chơ vơ trên chiếc võng trong chiếc quán bên đường. Mưa phủ ập, quán quạnh quẽ. Thiện vùng chạy đi tìm ông chú sửa xe, cô hàng nước và… bà già gầy như que củi kia. Thiện đi mãi, đi mãi, đi mãi, dưới trời mưa trút nước. Trước mặt không ai, sau lưng không người.

Thiện gặp Chúa, khi cúi đầu rửa mặt bên dòng suối. Tượng Chúa mà cũng chịu cảnh lênh đênh dưới dòng.

Thiện lại tiếp tục đi. Rồi Thiện lại gặp vợ mới của anh Tâm, đang tay ẵm tay bồng đứa con. Nó đánh vào trong kỳ vọng của những người mong đợi, tìm một cái lý do thuyết phục nhất sao Tâm nhẫn-tâm rời bỏ vợ con để đi đâu mất. Phải, đi tìm một chân trời mới, ở bên cạnh một hạnh phúc mới, xây một tổ ấm mới. Vợ mới đưa Thiện đi tìm anh, đến một ngôi nhà bên cạnh một dòng suối, nhưng Tâm vẫn bặt tăm đâu mất. Thiện ẵm đứa bé để chị vợ mới đi tìm Tâm. Đến lúc Thiện thức dậy do ông chủ nhà lay tỉnh. Thiện ngỡ ngàng vì ở đây không có một ai tên Tâm cả.

Thiện đi về phía con suối, cởi sạch quần áo trên người mình, thả mình nằm xuống dòng suối. Như gột rửa, hay như đánh thức bản ngã mình.

Đến lúc này mình mới lờ mờ hiểu được, cả hành trình này, thật ra chỉ mỗi có một gã trẻ trai tên Thiện đi tìm bản ngã của chính mình. đi tìm kiếm Tâm chỉ là cái cớ, cũng chỉ là mong cầu khát khao của gã đi tìm câu trả lời cho Tôi là ai? Thiện đi tìm Tâm, đi tìm về cái bản ngã thiện lương của mình (Nhân chi sơ, tính bản thiện). Đứa trẻ nít đầu phim sống sót chính là hình ảnh của một gã Thiện, mồ côi mẹ cha đi đâu mất, chính là đứa trẻ trong sáng, ngây thơ bên trong con người gã mà chính Thiện luôn muốn bảo vệ lấy. Khi Thiện trao đứa trẻ cho ma-sơ Thảo, cũng chính là trao đi một quãng đời trong sáng, thiện lành lúc trẻ cho tình yêu đầu đời mình. Thiện đi qua và rời xa tình yêu đầu đời (ma-sơ Thảo). Thiện gặp chứng nhân và tàn tích của chiến tranh (ông Lưu). Thiện lưu lạc và lý giải về những đớn đau cuộc đời mình (bà già trong quán bên đường). Thiện giác ngộ khi thấy những cánh bướm trắng rợp trời. Thiện đắm mình dưới dòng suối ở cuối phim, như tìm về với Chúa, lênh đênh trên dòng nước cuộc đời.

Thiện đi tìm bản ngã (hay đức tin?) của mình. Thoát thai từ trẻ nít, tình yêu rung động đầu đời, mưu sinh, lao lực, tàn tích của chiến tranh, tôn giáo và tín ngưỡng, đau khổ và lầm lạc, đức tin, ngộ nhận, rồi giác ngộ, chìm đắm, mơ hồ, tìm thấy ánh sáng cuộc đời, thức tỉnh, buông xuôi… Là hành trình mà một con người Thiện đang trải qua để đến đích cùng.

Chị Thảo (bạn mình) viết, ở mỗi một tình tiết của bộ phim đều có thể ráp nối với một bài thơ hay một chi tiết trong câu kinh Chúa:

“Khung hình kết của phân đoạn này (ông già Lưu cho Thiện sờ vào vết sẹo thời gian trên người ông) mình không chụp được (cũng không tìm thấy trên mạng) chính là hình ảnh Tôma xỏ ngón tay vào vết thương nơi cạnh sườn Đức Giêsu – nhưng “phúc cho ai không thấy mà tin”.

Cảnh nhân vật quay về một nơi phủ đầy mạng nhện (chắc là nhà cũ), nó đúng là bài giảng mùa chay được minh họa đầy đủ, một tâm hồn bầy hầy như cái chuồng lợn, làm sao để dọn lòng chứ không chỉ dọn đường.

Cảnh Thiện hỏi cô người yêu cũ vì sao đi tu… nên ráp vào đây Bài Thơ 64 – Lời Dâng (Tagore)

Bài Thơ 64, Lời Dâng
Bản dịch Đỗ Khánh Hoan.

Trên bờ sông hoang lạnh, giữa đám cỏ cao, tôi hỏi nàng: “Trinh nữ ơi, đi đâu mà lại lấy áo che đèn như thế? Nhà tôi ở tối om, cô quạnh lắm, cho tôi mượn đèn nào!” Ngước mắt thâm u, nàng nhìn tôi giây lát qua ánh hoàng hôn rồi nói: “Em ra sông thả đèn trên nước, khi ánh ngày tàn lụi ở phương Tây”. Tôi đứng một mình dưới đám cỏ cao, ngắm ngọn lửa le lói đang trôi vô ích trên sóng nước bồng bềnh.

Lúc chiều tối tĩnh mịch tôi hỏi nàng: “Trinh nữ ơi, đèn của em thắp sáng cả rồi, vậy mà còn mang đèn đi đâu nữa? Nhà tôi ở tối om, cô quạnh lắm, cho tôi mượn đèn nào!” Ngước mắt thâm u nhìn tôi, nàng đứng nghi ngờ một lúc. Cuối cùng nàng nói: “Em đem đèn dâng bầu trời”. Tôi đứng ngắm ngọn đèn cháy vô ích trong khoảng không.

Lúc nửa đêm âm u, không trăng, tôi hỏi nàng: “Trinh nữ ơi, tìm kiếm gì mà lại áp đèn vào tim như thế? Nhà tôi ở tối om, cô quạnh lắm, cho tôi mượn đèn nào!” Nàng dừng giây lát, suy nghĩ rồi nhìn tôi qua bóng đêm. Nàng nói: “Em đem đèn đi dự hội hoa đăng”. Tôi đứng ngắm cây đèn nhỏ bé vô ích biến vào đám ánh sáng đông đông”.

Có một chi tiết, chiếc xe phóng đi trong ngoằn ngoèo sương mù của triền dốc. Xe đi ngược chiều chỉ hiển hiện bằng ánh đèn ngược lối. Trải qua rất nhiều những khúc cua ngoằn ngoèo, đến một đoạn ánh sáng ngược chiều rọi trực diện vào màn hình. Phải chăng lúc này, Thiện đã chết trên chính hành trình tìm thấy đức tin của mình? Ai biết được? Và phần còn lại của hành trình, không có ai, phủ định sự tồn tại của bộ phim. Phủ định thân phận của Thiện. Phủ định hành trình của Thiện…

Nếu định tìm một bộ phim giải trí, mê thích những plot-twist bẻ ngoặt, ngóng chờ những tình tiết gì tiếp sau mỗi cảnh diễn, hay đặt logic về thời gian tuyến tính trong mỗi câu chuyện của phim, thì bạn đừng nên bước vào bên trong vỏ kén vàng. Phim như vùng sương trũng vô lối, người xem thả mình rảo bước theo trái tim và xúc cảm chân thật lúc đó.