An Ni đi bốn phương – Nam Kinh


An Ni đi bốn phương – Nam Kinh

Tác giả: An Ni Bảo Bối | Tịch dịch

Nam Kinh là thành phố yêu thích. Trên chuyến đi đến Lăng Trung Sơn, bên đường quốc lộ có những cây ngô đồng cao to rắn rỏi. Lúc đổ mưa, mảng rừng lá màu xanh lục reo rì rào. Cảm giác lắng đọng yên bình, là sau khi dừng chân ở Nam Kinh một thời gian dài, mới có thể cảm nhận được.

Nơi đây bản thân cũng là một thành phố cần được cảm thụ. Không có quá nhiều ồn ã. Trong lòng sẽ cô đọng.

Đã từng nhìn thấy một tác giả bình luận về Nam Kinh trên báo. Nhắc đến một chuỗi những suy tàn của nó. Sự xa hoa tráng lệ đã từng có, sự lụi tàn và hoa lệ của dòng sông Tần Hoài lãng đãng tựa khói phủ. Cho nên bất kỳ triều đại lập quốc nào cũng không kéo dài. Vô thường sụp đổ trong yếu ớt.

Các triều đại ở Hàng Châu cũng rất ngắn ngủi. Giang Nam là quê hương ấm áp của hoàng đế, dễ dàng khiến họ quên mất nguy cơ của chiến tranh bão táp, nỗi thống khổ của dân chúng. Đối với ánh nước sắc núi, chỉ còn sự trầm luân.

Như những người đàn ông có vợ xinh đẹp, luôn dễ dàng cảm thấy thiếu thốn ở trong lòng. Có những người đẹp, chỉ nên đứng từ xa mà thưởng thức khen ngợi. Trong sự mê đắm lại cảm thấy mỏi mệt. Thành phố cũng giống như vậy.

Bởi vì sự hoa lệ và danh tiếng đã từng có. Lịch sử đương thời như khói mây trôi qua tầm mắt, xóa nhòa hương rượu và tiếng sáo trong đêm tối. Nam Kinh cổ kính chỉ còn lưu lại hình bóng tang thương tịch mịch mà thôi.

Tường thành ảm đạm, rêu phong và dây leo phủ khắp dày đặc và ẩm ướt. Lăng mộ lặng ngắt. Các linh hồn từng chinh chiến cũng không còn tăm hơi.

Vẻ đẹp của hồ Huyền Vũ vô cùng giả tạo. Hồ sen rộng mười dặm, hương thơm thoang thoảng dưới ánh sáng rực rỡ ngày hè. Nước xanh nối trời, sóng gợn lăn tăn trong gió. Bước chân của khách lữ hành dẫm đạp quá nhiều. Dáng đi vội vã, chỉ lo chụp hình huyên náo.

Trong cánh rừng bên cạnh hồ Tây có những người Hàng Châu bản địa, ở hẳn một vùng. Họ câu cá, đi dã ngoại, đan áo len, đọc sách, hưởng thụ thời gian và ánh mặt trời vô cùng nhàn nhã. Hồ Huyền Vũ không có sự thung dung như vậy. Nó trông lại rất tĩnh mịch.

Cả thành phố Nam Kinh, những cao ốc mới xây tựa hồ đều cao chọc trời. Ở phía khác lại có vô số kiến trúc cũ kĩ. Có thể thấy bởi vì lịch sử mà nó đã từng gánh chịu, luôn ngắn ngủi và chật vật. Mà không cách nào có thể chối bỏ quá khứ hoàn toàn. Lại chẳng thể nào níu giữ những tháng ngày xa xưa mà tự an ủi mình.

Vì vậy đây là thành phố phát triển vô cùng chậm rãi và thận trọng. Trạng thái tâm lý này đồng thời cũng ảnh hưởng lên người dân của nó.

Sự chất phác và tính tự túc của người dân Giang Tô rất rõ ràng. Họ không có sự lanh lợi và gấp gáp của người Thượng Hải. Họ giống như một mảnh đất bùn mọc đầy cây cỏ, thiết thực mà bền vững. Những người bước đi trên phố lớn, rất hiếm khi nhìn thấy dáng vẻ vội vã. Ăn mặc cũng rất quê mùa. So với đường Hoài Hải ở Thượng Hải, bạn sẽ cho rằng bản thân mình đang đi giữa những người của một huyện nhỏ. Tuy rằng những đại lộ ở Nam Kinh rộng rãi sạch sẽ. Rất nhiều cửa hàng thiết kế tinh kỳ, bán quần áo thời thượng từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Công ty bách hóa Golden Eagle phù hợp với mức tiêu thụ cao dường như có tất cả các sản phẩm Isetan của Thượng Hải. Nhưng vấn đề về trạng thái tâm lý này chẳng thể thay đổi.

Thuế mà Giang Tô phải đóng luôn cao hơn các tỉnh khác. Nó bước những bước trầm ổn, tự cấp tự túc. Vì vậy nó chủ định không can hệ đến các trào lưu.

Lần đầu tiên ngắm cá là ở thế giới thủy cung ở Nam Kinh.

Khu tham quan ẩm thấp tĩnh lặng, chẳng chút âm thanh. Chỉ khi tựa sát vào mặt kính, mới nghe thấy sự chuyển động của bọt khí trong mặt nước trong veo. Những sinh vật đến từ biển sâu thần bí mà kỳ lạ. Có sự tự tại cách biệt với thế gian. Nhưng sự sống sau khi cách xa với đại dương, tựa hồ có chút cô độc.

An Ni lúc ngắm nhìn cảm thấy bản thân mình có chút nghẹt thở. Mỗi lần nhìn thấy những thứ xinh đẹp, cũng đều như vậy.

Về sau khi viết về một câu chuyện, nhớ lại phương thức miêu tả. Sinh mệnh là cá, cuộc sống là nước. Linh hồn là cá nghe thấy âm thanh của đại dương. Nhưng có khi sẽ chẳng bơi về được.

Sau đó thường nói với những người bạn ở Nam Kinh, rảnh rỗi đến ngắm cá. Đến ngắm những con cá cô đơn mà đẹp đẽ đó.

Cuối cùng nhớ đến thời khắc vui vẻ. Đường ngầm dưới chân chậm chạp trôi về phía trước, trên đầu và hai bên đều là khối nước to lớn.

Từng đàn từng đàn cá cách lớp kiếng rất gần mà bơi qua. Dường như có thể cảm thấy hơi thở và ánh mắt của chúng. Tựa sát mặt trên kính, mỉm cười với chúng. Khi chúng vẫy đuôi bơi đi, áp lòng bàn tay lên trên kính.

Thời khắc này, cảm thấy bản thân cũng là một con cá. Một con cá không cách nào tìm thấy đại dương của mình.

Sau đó số lần đến Nam Kinh càng ngày càng nhiều. Đã từng làm việc ở đó. Sống trong một khoảng thời gian dài.

Cùng bạn bè lúc trẻ gặp gỡ. Cậu trai Nam Kinh này đã từng học cùng lớp. Hơn nữa còn là bạn thân. Gầy nhom, dáng rất cao, khi mỉm cười để lộ hai hàm răng trắng ngà. Chúng tôi chưa từng đoán trước đến tám năm sau sẽ gặp lại nhau ở Nam Kinh. Hẹn gặp mặt trên đường Mạc Sầu, từ đằng xa nhìn thấy đã bật cười. Cùng nhau đi đến một quá cà phê trên đường Hồ Nam. Cậu ta vẫn nói tiếng phổ thông mang khẩu âm Nam Kinh.

Nhắc đến lúc nhỏ xem hết bộ phim ở trường, cùng nhau đón xe buýt trở về nhà, trên đường ngắm ánh chiều tà. Mỉm cười nhìn nhau. Nhưng không muốn nói quá nhiều.

Loại cảm giác ấm áp này của tình cảm, thì ra hoàn toàn không có chảy đi mất theo thời gian.

Vài người bạn rất thân ở trên mạng đều sống ở Giang Tô. Vẫn luôn qua lại. Ở trên mạng có lướt qua bất kì một nơi nào, cũng đều biết họ đang ở bên cạnh. Từ trang chủ ban đầu đến Gia Tinh đến Tinh Bạn đến Kì Tích (MU). Ấm áp mà đầy sự ỷ lại. Rất thích sự hiểu ngầm đầy ăn ý của đôi bên. Cũng rất thích sự hiền hòa chất phác. Sự khoan dung và lâu bền của họ.

Luôn muốn sau này có thể cùng nhau ăn bữa tối. Vui vẻ cùng nhau gặp gỡ. Không cần phải nói rất nhiều chuyện, chỉ là bình đạm thưởng thức tình ý ấm áp. Là phương thức phù hợp với tính tình đôi bên.

Đây là một thành phố còn vương đầy tình duyên.

Leave a comment